Ví điện tử Việt bắt xu thế mua trước, trả sau Ví điện tử Việt bắt xu thế mua trước, trả sau
Liên hệ mua hàng tại shop
lượt đánh giá
0/5Bạn chưa đánh giá
Momo là cái tên tiên phong của Việt Nam áp dụng dịch vụ “Mua trước, trả sau” - một xu thế tài chính đang rất nổi trên toàn cầu
Theo đó, Momo đã phối hợp với TPBank ra mắt sản phẩm ví trả sau. Đúng như tên gọi, ví trả sau cung cấp một hạn mức tiền để người dùng chi trả các hóa đơn, dịch vụ, mua sắm thương mại điện tử, v.v. trước, rồi sau đó sẽ thanh toán vào một ngày cố định của tháng sau.
Hiện nay ví trả sau của Momo có 3 hạn mức chi tiêu: 1 triệu, 3 triệu và 5 triệu. Với mỗi hạn mức, hạn thanh toán lần lượt là ngày 5, 10 và 15 của tháng sau.
Theo Momo, với sản phẩm ví trả sau, khách hàng không cần phải chứng minh thu nhập, đồng thời không cần chờ giải ngân. Chỉ cần người dùng đã có ví Momo xác thực tài khoản và có liên kết ngân hàng là có thể sử dụng. Ngoài ra nếu trả tiền đúng hạn thì cũng không bị tính lãi.
Sản phẩm ví trả sau của Momo là một kiểu của mô hình “buy now - pay later” (BNPL - mua trước trả sau) đang rất thịnh hành trên thế giới hiện nay. Mô hình này cho phép người dùng mua sắm, thanh toán hóa đơn trước, sau đó dần dần trả sau. Nghe có vẻ khá giống trả góp hoặc thẻ tín dụng. Tuy nhiên kỳ hạn thanh toán của BNPL ngắn hơn và người dùng không cần trả lãi (chỉ bị phạt lãi nếu trả chậm). Phân tích sâu hơn, BNPL không giúp người mua giảm bớt số tiền phải trả, chỉ giúp họ kéo giãn thời gian thanh toán, giảm bớt áp lực tài chính.
BNPL đang là xu hướng đang lên của fintech thế giới. Theo báo cáo Global Payments năm 2020 của Worldpay, BNPL là hình thức online phát triển nhất thế giới, với mức tăng trưởng hằng năm đạt 28% trong vòng 5 năm mới. Ngoài ra các chuyên gia cũng dự báo BNPL sẽ chiếm gần 3% tổng thanh toán thương mại điện tử năm 2023.
Tại Hoa Kỳ, giá trị thanh toán bằng BNPL đã tăng đến 132% trong quý đầu tiên năm 2021. BNPL cũng chiếm đến 7% giá trị thanh toán thương mại điện tử ở Châu Âu và 10% ở Úc. Những cái tên nổi tiếng cung cấp dịch vụ này như Affirm (Mỹ), Klarna (Thụy Điển), Afterpay (Úc) cũng ăn nên làm ra. Chẳng hạn Affirm chuẩn bị IPO, Klarna sắp lên sàn tại Anh, còn Afterpay vừa có thương vụ 29 tỷ USD với Square Inc.
Tại thị trường Đông Nam Á, BPLN cũng đang phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, dịch vụ tài chính PayLater là một trong những sản phẩm đi đầu giúp Gojek (Indonesia) trở thành một siêu ứng dụng. Hoặc Pine Labs (Singapore) cũng hợp tác với Atome để mở rộng dịch vụ BNPL tại Malaysia.
Lý giải về sự phát triển của mô hình BNPL, nhiều chuyên gia nhận định đó là do thói quen mua sắm của giới trẻ hiện nay. Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, có khoảng 80% người dùng BNPL nằm trong độ tuổi 19 - 34 tuổi. Và độ tuổi người sử dụng BNPL trên thế giới cũng không cách quá xa.
Theo đó, khách hàng ở phân khúc trẻ tuổi như vậy thường có nhu cầu mua sắm rất lớn và luôn muốn sở hữu một món đồ ngay lập tức. Thế nhưng tài chính của họ không cho phép. Đồng thời họ cũng khó khăn trong việc chứng minh tài chính để có thể lập thẻ tín dụng. Khi đó, mô hình BNPL cho phép họ sở hữu món đồ mình yêu thích mà không bị áp lực quá lớn về mặt tài chính.
Ngoài ra, ở độ tuổi này, nhu cầu mua sắm thường dành cho thời trang và mỹ phẩm . Đây không phải là lĩnh vực mà các ngân hàng truyền thống tập trung. Hình thức trả góp của ngân hàng thường chỉ dành cho đồ điện tử hoặc gia dụng. Như vậy, nhu cầu mua sắm vẫn có, nhưng tài chính không đủ, biện pháp trả góp không phù hợp. Khi đó, BNPL nghiễm nhiên trở thành lựa chọn số một cho người tiêu dùng trẻ tuổi.
Đó là về phía người mua. Còn về phía người bán, dịch vụ này giúp họ tăng doanh số. Vì người mua có thể trả tiền sau, do đó họ cũng ít do dự hơn khi quyết định mua hàng. Chẳng hạn, theo dữ liệu từ Klarna, sử dụng mô hình BNPL giúp tăng 33% doanh số. Ngoài ra, khi đã tạo trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người dùng, người dùng sẽ gắn bó và trung thành với thương hiệu hơn.
Với sự tiện lợi và hợp thời của mình, không khó hiểu khi BNPL lại phát triển nhanh chóng như vậy trên toàn thế giới. Ở thị trường Việt Nam, dù chỉ mới có Momo, thế nhưng dự đoán trong thời gian tới, các ví điện tử còn lại cũng sẽ đua nhau phát triển dịch vụ này. Tất cả cũng đều phục vụ mục tiêu cạnh tranh và thu hút người dùng.
lượt đánh giá
0/5Bạn chưa đánh giá